Dấu ấn VAR ở V-League

VAR bắt đầu hiện diện ở sân chơi cao nhất bóng đá VN từ giai đoạn cuối mùa giải 2023 và sau giai đoạn thử nghiệm tương đối thành công kèm đánh giá rút kinh nghiệm cũng như ý kiến đánh giá từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), VAR đã được áp dụng rộng rãi ở mùa giải 2023 - 2024. Với 2 xe VAR được FIFA cấp phép cùng đội ngũ trọng tài và trợ lý VAR hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ, luôn có ít nhất từ 3 đến 4 trận mỗi vòng có VAR. Đến mùa giải 2024 - 2025, dự kiến VAR sẽ xuất hiện ở 100% các trận đấu tại V-League.

Việc đưa VAR vào đời sống bóng đá VN sẽ còn được nhân rộng với thêm nhiều xe VAR, trọng tài VAR được cấp phép. Nhưng quan trọng hơn, đó là mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, với sự tham vấn của VAR, các quyết định của trọng tài sẽ khách quan và chính xác hơn. Dù vẫn sẽ có những tranh cãi (kể cả trên thế giới cũng vậy), nhưng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, trọng tài có thể phân tích tình huống kỹ lưỡng, chỉn chu hơn, nhờ vậy giảm bớt áp lực, đồng thời đưa ra quyết định với tỷ lệ phần trăm chính xác cao hơn. Ngoài ra, VAR cũng nâng tầm hình ảnh bóng đá VN.

VAR tạo dấu ấn tích cực ở V-League

Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: "Sự xuất hiện của VAR ở V-League đã giúp cho quyết định trọng tài chuẩn chỉnh hơn, đặc biệt ở những trận cầu nóng, kết quả đã phản ánh rõ ràng, không còn thắc mắc gì nữa. Tất nhiên, những nhà quản lý giải đấu còn cần phải hoàn thiện nhiều về VAR, đặc biệt cần có thêm những góc máy khác nhau, hay công tác phối hợp giữa trọng tài chính và VAR cần nhuần nhuyễn hơn. Điều đó càng giúp các trận đấu không có sự cố, các cầu thủ ra sân với tinh thần cống hiến, không có tư tưởng chơi xấu, bạo lực, tiểu xảo".

"Lưới VAR lồng lộng"

Nhờ VAR, bóng đá VN đã có những bước chuyển mình tích cực. Tuy nhiên, VAR mới chỉ là điều kiện cần để các cấp độ đội tuyển VN đi lên. Mà điều kiện đủ đặt ra là các cầu thủ cần hiểu rằng khi VAR trở thành một phần tất yếu của bóng đá hiện đại, đồng nghĩa mọi hành động trên sân, trong đó có cả tiểu xảo, những pha bóng xấu chơi, triệt hạ sẽ được mổ xẻ dưới rất nhiều góc độ. Trong trận đấu có tiết tấu diễn biến nhanh, một tiểu xảo trong tích tắc có thể che mắt trọng tài, nhưng sẽ không thể vượt qua "lưới… VAR" lồng lộng.

Hình ảnh đã trở nên quen thuộc tại V-League

Bởi vậy, cầu thủ cần phải "sợ" VAR để kiểm soát hành vi của mình. Khi không còn cơ hội lạm dụng tiểu xảo để che đậy khiếm khuyết về trình độ, tự khắc cầu thủ phải nỗ lực nâng cao năng lực bản thân, hoàn thiện ý thức nghề nghiệp, gạt bỏ những hành vi xấu để tập trung vào mục đích tối thượng: chơi bóng. Khi cầu thủ học cách chung sống với VAR, tự khắc tiểu xảo sẽ không còn chỗ đứng. Bóng đá VN nhờ vậy sẽ tiến xa hơn, khi các cầu thủ thi đấu cao thượng, không ngừng cải thiện trình độ để đạt mục tiêu chiến thắng bằng cách trung thực nhất.

Một cựu thành viên đội tuyển VN chia sẻ: "Bóng đá sẽ ảnh hưởng rất nhiều bởi VAR. Khi đã có VAR, các đội phải tỉnh đòn, chơi tử tế, chơi đẹp, chơi đúng năng lực. Còn nếu chơi bẩn, chơi triệt hạ, VAR sẽ vào cuộc và trọng tài có cơ sở để phạt rất nặng".

Nếu không kịp thích ứng, bóng đá VN sẽ bị tụt lại

Bài học nhãn tiền đã xảy ra ở sân chơi U.23 châu Á 2024, khi với sự tham vấn của VAR, rất nhiều thẻ đỏ đã được rút ra cho những pha đánh nguội hay vào bóng thô bạo. Những đội mạnh như U.23 Nhật Bản, U.23 Hàn Quốc cũng từng có cầu thủ bị truất quyền thi đấu, U.23 VN hay U.23 Indonesia thậm chí nhận tới 2 thẻ đỏ. HLV Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ngày càng áp dụng luật chặt chẽ để mang lại thứ bóng đá tốt đẹp hơn. Đó là lời cảnh báo, rằng nếu cầu thủ VN không sớm thích nghi với VAR, bóng đá VN sẽ tụt lại.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: "Ngoài ứng dụng VAR để tạo cầu thủ thói quen, thì việc giáo dục tinh thần thể thao cao thượng, thi đấu fair-play cho cầu thủ ở CLB là rất quan trọng. Đồng thời, việc cầu thủ được phổ biến kỹ về luật, quy chế, những hành vi bị nghiêm cấm hoặc có rủi ro dẫn đến thẻ phạt trước thềm giải lớn là rất quan trọng. Các cầu thủ cần hiểu luật, sợ VAR thì mới có thể chơi bóng đúng đắn được. Tuy nhiên nhìn chung, dù có hay không có VAR, cầu thủ cũng phải có ý thức nghề nghiệp, thi đấu trong sạch, tránh những tiểu xảo hay triệt hạ, để bảo vệ chính mình và đồng nghiệp. Qua giải U.23 châu Á 2024 vừa qua, có thể thấy AFC đang chống bóng đá bạo lực, làm rất quyết liệt để đẩy lùi những pha bóng tiểu xảo, thô bạo hay triệt hạ đối thủ. Rất nhiều thẻ đỏ được rút ra, điều này đòi hỏi các cầu thủ phải có ý thức nghề nghiệp rất cao".

CẦU THỦ VN PHẢI NÂNG CAO NHẬN THỨC KHI CÓ VAR

Ông Lê Quốc Ân, giám sát trận đấu của VFF, chia sẻ: "VAR mới được áp dụng ở VN, nên các cầu thủ cần thời gian để quen với sự hiện diện và điều chỉnh hành vi chơi bóng. Cầu thủ VN sẽ ý thức được là không được phạm lỗi nguy hiểm, bỏ tiểu xảo, động tác thừa, không được tái diễn tình huống xấu xí trên sân. Bên cạnh tự tôn nghề nghiệp, cầu thủ còn phải ý thức rõ ràng rằng với VAR, nếu trọng tài chính không phải hiện ra thì vẫn còn có VAR vào cuộc. VAR là mắt thần của những tình huống sau lưng trọng tài, hay những pha bóng quá nhanh mà đôi khi những ông vua áo đen không theo kịp".